Ý nghĩa chính trị Tân Văn Liên Bố

Giá trị tin tức

Những tin tức nào được coi là quan trọng nhất đối với các nhà báo Trung Quốc làm việc cho các phương tiện truyền thông chính thống hoặc báo chí tuyên truyền ngày nay? Xu Zhaorong, một phóng viên của Tân Hoa Xã đã đưa ra 14 nhận xét sau (tại Hội nghị chuyên đề về báo chí 1998):

  • 1. Các hoạt động quan trọng, thay đổi nhân sự và các cuộc họp của đảng và nhà nước như tin tức về Quốc khánh, các cuộc họp của Đảng và Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc;
  • 2. Các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước như đi thị sát, tiếp khách nước ngoài, gặp đại biểu trong nước, đi và đến nước ngoài, tiệc trà tự tổ chức;
  • 3. Các chủ trương, chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế và các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước;
  • 4. Các bài bình luận quan trọng về một số sự kiện hay chính sách nào đó [...]

-  Li Xiguang

Tân Văn Liên Bố được coi là cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước. Như với tất cả các chương trình phát sóng tin tức ở Trung Quốc đại lục, thứ tự phá sóng của mục tin tức sẽ được quyết định bởi tầm quan trọng chính trị xã hội của cá nhân hoặc nhóm tổ chức có liên quan (chứ không dựa vào độ quan trọng của tin tức). Vì vậy, hoạt động của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hầu như luôn được coi là mục tin tức đầu tiên, sau đó là báo cáo về các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị theo thứ tự cấp bậc.[8]

Chương trình đã bị chỉ trích nặng nề với lý do trình bày các thứ tự tin tức quá cứng nhắc và tập trung nhiều vào các nhà lãnh đạo đảng nhà nước hơn là những tin tức quan trọng trong xã hội và thế giới, đồng thời cũng thiếu đi tính trung lập và các quan điểm phản biện riêng. Trung bình khoảng một nửa thời lượng chương trình chỉ dành cho các nội dung báo cáo chính trị: thông báo của đảng, cuộc họp của chính phủ hoặc hoạt động của các nhà lãnh đạo.[12]

Định hướng tin tức

Chương trình đóng một vai trò quan trọng trong công tác truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc với các cấp đại chúng và cơ sở. Zhan Jiang, một giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị Thanh niên Trung Quốc, đã tóm tắt nội dung của chương trình bằng ba cụm từ: "Các nhà lãnh đạo bận rộn, đất nước đang phát triển nhanh chóng, các quốc gia khác đang hỗn loạn".[13]

Một mặt, đây là nguồn tin tức có phạm vi tiếp cận rộng nhất trong đông đảo người dân tại Trung Quốc.[14] Do đó, chương trình đã tạo cơ hội cho đảng để ảnh hưởng tư tưởng và phổ biến chính sách của mình đến với quần chúng. Theo Li, việc xem bản tin theo truyền thống là "một nghi lễ quốc gia trong bàn ăn của gia đình".[15]

Mặt khác, nó đã được sử dụng như một cơ chế để báo hiệu những thay đổi trong chính sách và sắp xếp nhân sự. Các chính sách mới sẽ được đưa ra bởi các báo cáo đặc biệt, chẳng hạn như trong việc giới thiệu học thuyết Ba đại diện vào năm 2002. Các bức ảnh xếp hạng của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trong các tin tức thông báo về việc sắp xếp nhân sự cũng sẽ cho thấy những quyền lực tương đối của họ: "Mỗi nhà lãnh đạo sẽ được phân bổ một số giây nhất định trước mặt máy quay với việc biên tập và sửa đổi cẩn thận bởi bộ phận tuyên truyền của đảng".[8] Điều này cũng được tính là một hình thức cực đoan thái quá của chương trình, bởi vì bất kỳ thông tin sai lệch nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Một ví dụ về điều này, trong chương trình phát sóng vào ngày đàn áp Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sau khi bị phát hiện đọc chậm tin tức hơn so với thường ngày cùng với việc bày tỏ cảm xúc trên khuôn mặt của mình trước máy quay đã khiến cho Du Xian và Xue Fei bị xóa tên khỏi danh sách người dẫn chương trình vì đã không tuân theo qui định về việc đưa tin của chương trình.[16]